Chương 6. BẢO QUẢN THIẾT BỊ, NÂNG CẤP PHẦN MỀM

6.1 Sử dụng và bảo quản thiết bị.
Cũng như tất cả các thiết bị điện tử khác, đặc biệt là các thiết bị điện tử cầm tay và sử dụng ngoài trời, chiếc máy tính bảng này phải được bảo quản, sử dụng đúng cách để đảm bảo được thời hạn sử dụng lâu dài nhất có thể.

1. Tránh làm rơi, vỡ và bị va chạm mạnh với các vật thể khác.
Thiết bị máy tính bảng này cũng giống như điện thoại di động, rất dễ bị vỡ, hỏng, hoặc các chức năng bị ảnh hưởng nếu sử dụng không đúng cách.
Người khảo sát phải được trang bị thêm túi đựng chuyên dụng, loại túi có thể đeo vào người và không phải dùng tay giữ túi, thuận tiện trong quá trình di chuyển và/hoặc vượt các chướng ngại vật trong quá trình thao tác ngoài thực địa.
Người khảo sát không được bỏ chung thiết bị máy tính bảng với các vật thể cứng khác trong cùng một túi đựng chuyên dụng, như dao, kéo, chìa khóa, kìm, búa, v.v…
Người khảo sát không cố gắng dùng tay đang cầm máy tính bảng để cầm, kéo, bám hoặc vượt chướng ngại vật trên đường đi. Trường hợp gặp chướng ngại vật, người khảo sát nhất thiết phải cho thiết bị máy tính bảng vào trong túi đựng chuyên dụng để đảm bảo an toàn cho cả người và thiết bị.

2. Tránh làm ướt thiết bị.
Người khảo sát có thể gặp mưa bất ngờ trong quá trình di chuyển hoặc đang thao tác thu thập số liệu ngoài hiện trường. Thiết bị máy tính bảng mà người khảo sát đang sử dụng không phải là loại thiết bị có thể chống nước, do đó, khi gặp mưa, người khảo sát cần khẩn trương dừng ngay việc thu thập dữ liệu và bỏ thiết bị máy tính bảng vào bên trong dụng cụ chống thấm nước chuyên dụng, có thể bỏ vào trong túi ni-lon có khóa kéo hoặc bọc bên trong áo mưa, trước khi di chuyển đến nơi trú mưa.

3. Sử dụng pin.
Để đảm bảo cho thiết bị hoạt động tốt ngoài thực địa, người khảo sát cần đảm bảo sạc pin đầy đủ (nếu trước khi sạc pin mà thiết bị còn trên 50% thì không nên sạc) và nên mang theo sạc pin đi theo, đề phòng quá trình khảo sát mất nhiều thời gian hơn dự kiến.
Với điều kiện bình thường, pin của thiết bị nếu được sạc đầy 100% thì thiết bị có thể hoạt động liên tục với màn hình luôn sáng trong khoảng thời gian khoảng 6 giờ hoặc cao hơn, tùy thuộc vào từng thiết bị. Tuy nhiên, để đảm bảo tiết kiệm pin, người khảo sát nên tắt màn hình thiết bị (bấm nhẹ vào nút nguồn bên cạnh máy) trước khi di chuyển hoặc bỏ vào túi đựng chuyên dụng, cũng như nên tắt màn hình trong quá trình di chuyển từ điểm này đến điểm khác khi thu thập số liệu thực địa.

4. Lau chùi, bảo quản và tắt máy khi không sử dụng.
Khi không sử dụng đến, thiết bị cần được bảo quản tốt theo quy trình sau:

    + Lau chùi thiết bị bằng vải mềm, không dùng các vật thể cứng để cố gắng tác động vào thiết bị nhằm lấy một thứ gì đó dính trên thiết bị, đặc biệt là đối với màn hình;
    + Không dùng nước, xà phòng hoặc chất ăn mòn khác để lau, rửa thiết bị;
    + Tắt nguồn thiết bị (tắt hoàn toàn) trước khi đưa thiết bị vào bảo quản;
    + Để thiết bị vào hộp có chống ẩm, cất hộp ở nơi khô ráo, chắc chắn.

Ít nhất mỗi tháng một lần, thiết bị phải được lấy ra khỏi nơi bảo quản và sạc pin, sử dụng trong thời gian tối thiểu 15 phút, sau đó lại tiến hành quy trình bảo quản, cất giữ máy như trên.
Mặc dù thiết bị máy tính bảng này có thể được sử dụng với các chức năng khác như các chức năng điện thoại, các chức năng máy tính, nhưng do thiết bị được trang bị với mục đích sử dụng làm thiết bị đo đếm diễn biến rừng ngoài thực địa, nên người dùng không được sử dụng thiết bị này vào những mục đích và công việc khác ngoài đo đếm diễn biến rừng ngoài thực địa.

6.2 Nâng cấp phần mềm lên một phiên bản mới.
Việc nâng cấp ứng dụng lên phiên bản mới hơn cũng được cấp tỉnh thực hiện. Khi có thông báo nâng cấp phiên bản mới, người dùng cần thực hiện các quy định cần thiết để chuyển thiết bị về tỉnh để cấp tỉnh tiến hành nâng cấp hoặc tự thực hiện việc nâng cấp theo hướng dẫn của tỉnh hoặc của nhà phát triển phần mềm.

Trở lại mục trước Lên đầu trang
SNRM/JICA - Ứng dụng Theo dõi diễn biến rừng sử dụng thiết bị di động